Tổng hợp ngoại truyện (2)

Mua đồ qua điện thoại

Trước đây Kỷ Dũng Đào từng đi xem mắt hai lần.

Một lần là giáo viên tiểu học, đối phương mặt mũi toát lên vẻ dịu dàng hiền hậu, đeo cặp kính cận và mặc một chiếc váy kẻ ngang đến đầu gối.

Hai người hẹn cùng đi chợ mua sắm, vậy mà đến cuối tuần, Kỷ Dũng Đào mới bước chân ra cửa thôi thì bộ đàm vang lên, báo có cướp ở tiệm vàng cần hỗ trợ gấp.

Còn một lần nữa là cấp trên làm mối, giới thiệu cho anh một cô gái làm bên văn thư trong cơ quan, mái tóc ngắn chỉnh tề vén ra sau tai, dáng người cao dong dỏng.

Lần này hai người cũng hẹn tan làm sẽ cùng đi xem phim, nhưng mới xuống được nửa cầu thang thì Kỷ Dũng Đào lại bị gọi trở lại, nghe báo có người ra tay cướp xe chở tiền lương.

Lúc mới đến Thành phố A, đàn anh trong đội nói với anh, dạo này mới đổi đội trưởng nên hơi nhiều việc.

Kỷ Dũng Đào: Sao tự dưng lại đổi đội trưởng thế?

Đàn anh: Chú chưa nghe ai nói hả? Đội trưởng cũ hy sinh vì nhiệm vụ rồi.

Trong văn phòng có khá ít người. Tuần trước có mấy tên cầm súng tiểu liên cướp xe chở tiền, đồng nghiệp có cả người chết lẫn bị thương.

Thành phố A tính ra cũng ổn hơn chút ít.

Năm ấy Sở Giá Quân mới mười mấy tuổi đầu, vẫn còn đang theo đám người của cha nuôi ngồi xổm ven đường chờ xe áp tải hàng hóa đi qua. Mỗi lần xe đến, người đàn ông kia sẽ đẩy gã ra giữa đường cái. Người trên xe thấy có trẻ con chạy ra đường chỉ có thể thắng gấp, vậy là bị đám người mai phục ở hai bên cướp hết trơn hết trọi.

Cũng có lần xe không đạp thắng kịp. Sở Giá Quân chỉ kịp nhìn thấy ánh đèn pha chói mắt lóe lên trước mặt đã bị tông bay lên trời. Kết quả là, như có kỳ tích xuất hiện, gã không bị thương nghiêm trọng lắm.

Người đàn ông nọ vốn không định nuôi nó lâu, chỉ có điều thằng nhóc đó sống rất dai, vả lại học cái mới cũng nhanh lắm. Biết tỏ vẻ đáng thương thu hút sự chú ý của bảo vệ, cũng biết giấu súng ở bên dưới đồ chơi rồi đột ngột rút ra.

Rất nhiều năm về sau, Kỷ Dũng Đào chạm ngưỡng ba mươi, cũng sắp sửa từ bỏ ý định tìm người yêu luôn rồi.

Có người gợi ý bảo anh nhận nuôi một đứa nhỏ, hồi ấy ba chục tuổi đầu mà chưa kết hôn, phần lớn đều sẽ nhận được những ánh mắt thương cảm của mọi người xung quanh.

Kỷ Dũng Đào: Để mai, ngày mai tôi đón em họ xong rồi ra ga tàu hỏa nhặt lấy một đứa.

Sinh nhật Kỷ Dũng Đào, đồng nghiệp trong cơ quan đặt mấy bàn ở quán hải sản, ngoại trừ mấy người trực ban ra, ai cũng uống đến say bét nhè.

Anh bị chuốc rất nhiều rượu, được Sở Giá Quân khuân về, giữa đường còn phải dừng lại nôn một trận mới thôi.

Sở Giá Quân ném người nọ xuống giường, đôi lông mày nhíu lại lột hết quần áo dính bẩn của anh xuống.

Sở Giá Quân: Mẹ nó chứ, cái giường này phải thải thôi.

Sau khi giết chết cha nuôi, một mình “khai sơn lập phái”, gã thực lòng không muốn trải qua cuộc sống bẩn thỉu như ngày trước nữa, mọi thứ đều muốn phải mới tinh.

Gã lấy cái bình tưới hoa xịt nước vào người Kỷ Dũng Đào. Mới xịt vài lần thì phát hiện anh say như chết, thế là gã mạnh dạn đứng lên giường, nhảy qua nhảy lại hai bên người anh.

Sở Giá Quân bỗng chốc hụt chân, ngã lên cơ thể người nọ. Thế mà Kỷ Dũng Đào vẫn chưa tỉnh.

Gã tò mò cúi mặt, bắt đầu nghiên cứu con người này, gã không hiểu người này có gì khác với những người khác mà lại khiến mình không thể xuống tay với anh.

Mày mò một lúc gã liền mất hết kiên nhẫn, chạy đi xem băng video, vừa uống bia lạnh vừa xem tấu nói, ôm nửa quả dưa hấu ngồi trên giường, tay xúc dưa ăn mắt xem tạp chí mua sắm, ngắm được cái nào là dùng ngón tay khoanh lại ngay. Chưa được bao lâu, cuốn tạp chí đã đầy những dấu tay lồi lõm.

Muốn mua đồ điện mới phải được Kỷ Dũng Đào duyệt mới được mua. Sở Giá Quân nhân cơ hội, ôm quyển tạp chí thảy xuống bên cạnh Kỷ Dũng Đào: Anh Dũng anh Dũng, em mua cái tivi to nhá được không? Trong ba giây anh không nói gì thì coi như anh đồng ý rồi nhé?

Mua tivi, được.

Lại nữa: Anh Dũng ơi em mua cái quạt mới nhá? Anh không nói gì thì em coi như anh đồng ý rồi đấy? Mua cái máy ghi hình nhỉ? Mua xe mới nữa? Ơ đồng ý hết hả? Tốt ghê, tuyệt thật đấy…

Vài ngày sau, Kỷ Dũng Đào mắt chữ A miệng chữ O nhìn đống thùng cát-tông ở trước cửa, tất cả đều được đặt qua điện thoại. Nhân viên chuyển đồ mặt mày tươi rói hỏi anh: Chú đang bày biện nhà mới đấy hả? Đồ mua đủ hết chưa? Còn thiếu gì thì cứ đặt hàng ở chỗ anh nhé.

Chai

Xác của Sở Giá Quân bị hỏa thiêu, sót lại một lớp tro cốt ít ỏi. Hôm ấy Kỷ Dũng Đào qua đó, mới đầu anh đem theo một cái túi nilon vì không muốn thu hút sự chú ý của người khác. Về sau nghĩ lại, anh đổi thành một cái vỏ chai coca.

Có người bảo đổ cái thứ này vào bồn cầu giội đi, Kỷ Dũng Đào gom lại rồi để vào góc tủ tài liệu trong văn phòng trước, tránh để người ta nhìn thấy khéo bị đem đi giội thật. Tính ra Kỷ Dũng Đào không có tư cách nhận, cũng không muốn nhận. Anh nghĩ người đó đi cũng đi rồi, để lại tro cốt ở nhà thì lại như chưa đi, kẻo lại làm người ta ảo tưởng, cũng khiến cho Sở Giá Quân không thể đi được.

Trong nhà không còn ai nữa, những đồ đạc linh tinh mà Sở Giá Quân để lại cũng bị tịch thu coi như vật chứng, cái gì cũng có, nào hộp kẹo cao su, nào chuồn chuồn tre, đồ chơi dây cót, hay có cả lựu đạn và băng đạn dưới sàn nhà.

Dưới gối tìm thấy hai tấm vé đã hết hạn từ lâu, là vé xe đi Thượng Hải.

Cuốn tạp chí mới xem được một nửa, ảnh cắt từ tiểu thuyết võ hiệp, quyển từ mới tiếng Anh. Bên trong có vài nét nguệch ngoạc viết lie, lie, lie. Kỷ Dũng Đào bỗng nhận ra, suốt từ đầu đến cuối, người đó đều đã chuẩn bị cho khoảnh khắc khi lời nói dối vỡ vụn.

Còn có một từ nữa cũng bị khoanh tròn, chính là ba chữ “Kỷ Dũng Đào”, được viết chằng chịt ở xung quanh.

Trong tủ lạnh vẫn còn nửa quả dưa gang, ở giữa đã bị khoét lõm, người nọ ăn dưa chỉ thích ăn như thế. Nhưng để không bị Kỷ Dũng Đào mắng, lần nào gã cũng rắc đường vào chỗ trũng giữa quả dưa.

Kỷ Dũng Đào nằm trong căn nhà giờ chỉ còn một mình anh, cũng không bật đèn mà chỉ ngẩn người nhìn lên trần nhà. Anh cứ thế nhìn chằm chằm lên trần rất lâu, mấy tiếng đồng hồ qua đi, đột nhiên ngồi dậy, mặc nguyên đồ ngủ lao xuống dưới lầu, lái motor đến nơi lưu trữ tro cốt.

Trên con phố khuya vắng vẻ, xe motor băng qua từng ngọn đèn đường mờ ảo. Anh dừng xe lại ở một ngã tư mà không hề báo trước, thẫn thờ nhìn vào ngã tư vắng tanh.

Sau cùng, Kỷ Dũng Đào quay đầu xe, chầm chậm lái trở về sông Ái Nha.

Mừng năm mới

Đêm giao thừa, cơ quan Kỷ Dũng Đào tổ chức ăn tất niên, mọi người cùng nhau quây quần ở quán lẩu ăn cơm uống rượu chúc mừng.

Đồng nghiệp phải chia nhóm ra đi liên hoan, buổi sáng một nhóm ăn xong tối trực ban, một nhóm buổi chiều trực ban xong đến tối cùng xuống lầu ăn tối.

Kỷ Dũng Đào không thuộc nhóm nào hết, anh “nghỉ bệnh” tại nhà.

Mọi người ăn cơm tất niên cũng gọi anh đi cùng, được mấy ly rượu vào bụng, mấy lão chiến hữu ôm vai bá cổ anh: Anh Dũng, anh phải nghĩ thoáng ra.

Kỷ Dũng Đào: Tôi nghĩ thoáng từ lâu rồi.

Đồng nghiệp: Đúng thế, anh Dũng mà lại. Chuyện này đúng là đáng sợ thật, bọn em giờ nghĩ lại vẫn thấy hãi, anh đừng nghĩ ngợi gì nhiều, cứ coi như bị xe tông một lần, bó thạch cao nghỉ ngơi một thời gian là khỏi thôi.

Kỷ Dũng Đào: Ừ, cậu nói chí phải.

Kỷ Dũng Đào vùi đầu uống rượu, cười nói với đồng nghiệp xung quanh.

Đêm giao thừa, nhà hàng chật ních người đến ăn tất niên, tiếng cụng chén hết chỗ này đến chỗ khác. Chiếc tivi treo tường nho nhỏ đang mở tiết mục cuối năm, nhưng chung quanh ồn đến mức không thể nghe được âm thanh nào phát ra.

Ồn ào náo nhiệt như thế, nhưng lại hệt như chỉ có một mình.

Đội trưởng cũ đến uống rượu cùng anh: Cậu ta không ở nhà chú nữa rồi, chú không có gì phải sợ hết.

Kỷ Dũng Đào nhấp rượu: Ừ, phải phải.

Đội trưởng cũ: Đồ đạc dọn sạch hết rồi phải không? Không còn gì nữa thì chú cứ coi như trong nhà chưa từng có thêm người ở, không phải sợ, loại người như thế không có kẻ thứ hai đâu.

Kỷ Dũng Đào lại uống, cười đến sặc cả ra: Phải, chí phải.

Đội trưởng vỗ lưng anh: Qua tết quay lại làm việc, người đông thì không sợ nữa rồi. Nghe nói em gái mới đến của tổ tình báo thần tượng chú lắm, thế nào? Mùng ba hẹn người ta ra gặp mặt làm quen nhé?

Kỷ Dũng Đào khoát tay, ho sặc sụa. Xung quanh anh người cười nói người hát hò, còn có người đang hát bài Nữ phò mã.

Đội trưởng cũ rời đi đồng ca với những người khác, chỉ còn một mình anh ngồi lại bên bàn ăn bừa bộn, nhìn ra đường phố với những bông tuyết đang rơi. Bỗng nhiên, người bên ngoài đường, người trong nhà hàng, tất cả đều đồng loạt hét vang: Chúc mừng năm mới!

Mười hai giờ rồi. Những con vật rực rỡ sắc màu trên tivi tay nắm tay, cùng hát lên bài ca đêm giao thừa khó quên.

Kỷ Dũng Đào ngồi đó uống rượu, vừa khóc vừa cười. Có quá nhiều người say lướt khướt cũng vừa cười vừa khóc, không thể đếm nổi chính xác có bao nhiêu. Bên ngoài lớp kính đã phủ sương là pháo hoa mừng năm mới sáng rực bầu trời, mấy trăm tràng pháo bên đường khói tỏa mù mịt.

Anh che mặt, vượt qua làn khói, hết khóc lại cười. Thế nhưng đêm nay là giao thừa, không ai cảm thấy anh là người kỳ quặc.

Anh trở về ngôi nhà yên tĩnh của mình, ngoài kia pháo hoa ngập trời. Đột nhiên anh hét gọi tên người kia. Tiếng pháo át đi cái tên bất kham đó, cứ như vậy, tiếng hét của anh biến mất vào màn đêm.

Chuyến thăm hỏi

“Hồi ký? Hồi ký gì chứ. Ngần này tuổi rồi còn có kỷ niệm gì đẹp nữa. Nội việc nói cái từ đấy thôi là thấy xấu hổ rồi.

Cậu khỏi phải viết hồi ký thay tôi, viết thay tên kia ấy, cậu chỉ muốn tìm đề tài viết sách thôi chứ gì.

Trên mạng có nhiều tin tức lắm đấy thôi, chẳng phải vẫn thường có mấy cậu trai trẻ chạy đến khu này đốt nhang trước cửa phòng tôi đó sao. Điên mất thôi, người cũng đi bao nhiêu năm rồi mà.

Tôi chả có gì đáng nhớ cả. Đến cả mặt mũi cậu ta tôi còn chẳng nhớ rõ nữa rồi.

Chỉ có mỗi một tấm ảnh chụp chung có mặt cậu ta. Nhưng ảnh cũng mốc meo rồi.

Phục chế ảnh công nghệ cao gì ấy, chẳng qua cũng chỉ vẽ lại khuôn mặt thôi.

Không cho cậu xem đâu, tôi còn chẳng nhớ để đâu nữa rồi. Đừng có tò mò sao tôi lại biết nó mốc, chả phải việc của cậu.

Cậu không có công việc đàng hoàng à? Ngày nào cũng lủi thủi trong nhà làm gì? Sớm muộn gì cậu cũng giống như tên kia thôi, đã là người thì nên ra ngoài tìm việc mà làm.

Đừng tìm việc giống cậu ta.

Đầu óc cậu có vấn đề à, hỏi tôi câu này? Gì mà tôi có muốn hay không? Tên đó thì có gì đáng để nghĩ đến? Để mơ ác mộng chắc? Tôi không nhớ cậu ta, tôi chẳng nhớ ai hết.

Một mình tôi vẫn sống tốt. Cậu mới điên ấy, mọi người đều điên rồi, ngày nào cũng hỏi chuyện này. Sao mấy người không hỏi năm ấy chúng tôi phá án thế nào? Bố trí canh phòng các kiểu thiếu gì cái để hỏi? Sao cứ phải hỏi mấy thứ đó?

Tôi có nhà mà, chỗ này đấy thôi, nhà bắt buộc phải có mấy người ở mới được à, một mình tôi ở đây cũng là nhà chứ bộ.

Tôi nhớ con chó còn nhiều hơn nghĩ đến tên kia.

Tôi không quan tâm tro cốt của cậu ta… không phải, tôi chỉ gom lại thôi, tôn trọng người chết ấy mà. Cậu ta lại còn chẳng có người nhà đến lo liệu, nghĩ cũng thấy thương, người đi rồi, đến một nơi tốt hơn, kiếp sau làm một người tốt.

Trước khi cậu đến nhận tro cốt, tôi… ừ, tôi chỉ là dùng cái hũ trang trọng hơn đựng thôi. Chủ yếu là vì tôn trọng người quá cố.

Chết là hết, chẳng còn gì nữa, đều đã qua rồi.

Tôi không muốn bị điên, chỉ có không nghĩ đến những chuyện kia thì tôi mới không điên. Tôi hận cậu ta lắm chứ, lừa tôi lâu thế cơ mà.

Nhưng mọi thứ đều đã qua rồi.

Tôi không biết sao mình lại khóc nữa, con người phức tạp lắm, đang yên đang lành cũng khóc được. Mẹ kiếp, tôi khóc một lúc cũng không được à?

Cậu là gì mà đến thẩm vấn tôi? Số người tôi từng thẩm vấn còn nhiều hơn mấy nhân vật trong sách của cậu kìa. Cậu hiểu cái gì mà bày đặt hỏi linh tinh?

Thôi thôi cậu về quê đi, đừng đến thăm hỏi chuyện của cậu ta nữa. Hai cậu họ hàng xa thế có cũng như không, ra ngoài đừng nói là họ hàng với nhau, bớt tìm rắc rối cho người nhà.

Nghề nghiệp tự do là cái gì? Lại chẳng phải thất nghiệp à? Gì? Sao lại ở đây? Ai cho ở đây? Đâu cơ? Cậu thuê phòng bên cạnh lúc nào tôi không biết?

Thôi xéo đi giùm, cậu có hỏi mấy lần thì tôi cũng chả có gì muốn nói hết, thích ở đâu thì ở.

Tôi quên rồi, trí nhớ con người không tốt thế đâu.

Tôi mở cửa để thông gió. Phải đấy, tôi để khói hun chết cậu luôn.

Máy lọc không khí gì chứ, toàn lừa đảo, đừng có nghĩ dùng một cái máy thôi là mua chuộc được tôi. Hồi ấy cậu ta suốt ngày mang đồ ngoại nhập khẩu về nhà tôi còn không…. Thôi bỏ đi, tôi quên rồi.

Tôi chả muốn nói thêm gì nữa đâu.

……

Tôi xin cậu đấy, lượn đi cho khuất mắt.

Khỏi cần, tôi tự lấy giấy được, cậu không phải giúp.

Một mình tôi vẫn sống tốt, tôi chả cần cái quái gì cả.

Tôi từng mơ thấy cậu ta, trong mơ tên đó sống rất tốt, có gia đình mới rồi.

Trước đây có một dạo tôi cũng nhớ cậu ta lắm.

Câu này cậu đừng có viết vào. Tôi chỉ nói thế thôi.

Muốn chết cùng chứ, nhưng cũng chỉ là chuyện một chốc một lát thôi, chuyện qua rồi thì cho qua đi.

Tôi từng nghĩ tên đó mà là Hứa Phi thật thì tốt biết mấy.

Thế thì tôi có thể cho cậu ta bất cứ thứ gì.

Tôi mà cố gắng thì giờ chắc cũng phải lên chức cao cao rồi.

Cái gì tôi cũng có thể cho cậu ta.”


2 bình luận về “Tổng hợp ngoại truyện (2)

Add yours

Bình luận về bài viết này

Start a Blog at WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia